Vào ngày 2/1, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương, bà Dương Thị Hồng cho biết, số ca mắc dịch sởi Việt Nam ghi nhận trong năm 2016 là 34 ca, giảm đến 442 lần so với năm 2014, thời điểm xảy ra dịch sởi và giảm 8 lần so với năm 2015.
Sởi là một bệnh lây truyền qua đường mũi và miệng gây ra bởi virus cấp tính ARN thuộc chi Morbilivirus nằm trong họ Paramyxoviridae với biểu hiện cụ thể và đặc trưng ở giai đoạn cuối là phát ban toàn cơ thể. Sởi thường phát triển thành dịch vào mùa xuân ở những khu vực tập trung đông dân cư, khi mà số lượng trẻ không có miễn dịch với sởi đủ lớn. Trước khi có vaccine sởi thì lứa tuổi mắc bệnh thường gặp nhất là từ 5-10 tuổi. Sởi có khả năng lây lan rất cao lên đến 90% trên những người chưa có miễn dịch (chưa tiêm vaccine, chưa bị sởi lần đầu) qua đường hô hấp (lây từ người bệnh ho, nói chuyện hoặc tiếp xúc thông thường).
Đối tượng mắc bệnh sởi thường là trẻ em trong độ tuổi từ 5-10 tuổi
Vào tháng 1 năm 2014, sau 3 năm không có dịch thì tại Việt Nam, bệnh sởi đã bùng phát tại 24 tỉnh thành trên toàn quốc với 993 ca mắc bệnh và 7 ca tử vong, trong số đó 30% số ca bệnh xuất phát từ Hà Nội, và Hà Nội cũng chiếm hơn 50% số ca tử vong. Đến ngày 30/5/2014, Bộ Y tế công bố báo cáo tổng kết về dịch sởi, cho biết con số trường hợp mắc bệnh sởi xác định là 4.062 ca và số trường hợp sốt phát ban nghi sởi là 21.639, số ca tử vong là 142.
Với năm 2016, tình hình số ca mắc bệnh sởi đã giảm mạnh so với năm 2014 và 2015. Thành quả này có được là do chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ đạt tỉ lệ cao. Theo bà Hồng cho biết, tỉ lệ tiêm vaccine sởi – rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt gần 80% và con số này ở nhóm thanh thiếu niên 16-17 tuổi là 95%.
Và theo thống kê của Viện vệ sinh dịch tễ Trung Ương, tính đến hết tháng 10/2016, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 83,4%, vượt tiến độ yêu cầu (75%) trên phạm vi toàn quốc. Tỷ lệ tiêm DPT4 đạt 77,9%, đạt yêu cầu và tăng so với cùng kỳ năm 2015.
Với việc tiêm chủng vaccine bại liệt, thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, vào tháng 5/2016, hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu, Việt Nam đã cùng với 155 quốc gia khác đã thực hiện chuyển đổi từ vaccine bại liệt 3 tuýp sang sử dụng vaccine 2 tuýp (bOPV). Theo đó từ tháng 6/2016 Bộ Y tế Việt Nam đã chuyển sang sử dụng vaccine bại liệt 2 tuýp (bOPV).
Cũng theo bà Dương Thị Hồng, trong năm 2017 Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đặt mục tiêu tăng tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ nhằm đạt mục tiêu khống chế bệnh viêm gan B vào 2017.
Theo Dân trí