Acid Folic là vitamin B có thể giúp ngăn ngừa một số dị tật bẩm sinh: dị tật ống thần kinh, hở vòm miệng, dị tật tim,… Nên bổ sung acid folic từ trước- trong- sau khi mang thai, cụ thể:
- Trước khi mang thai, mẹ cần 400 mcg/ ngày.
- Trong khi mang thai và cho con bú, cơ thể mẹ cần 600 mcg/ ngày.
Một số loại acid folic được mẹ bầu chọn nhiều: BlackMores I- Folic, Avisure Mama, Folimom, NatureMade Folic acid 400mg, Folic acid, PreIQ,...
Với liều lượng cao, acid folic sẽ gây nên một số tác dụng phụ: buồn nôn, đau bụng, dị ứng da, khó ngủ, co giật,…
Acid folic tốt nhưng không phải ai cũng nhận được điều đó. Với những mẹ bị mắc các bệnh nội khoa ( các vấn đề về gan, thận, tim mạch, động khinh, tiểu đường) hoặc những mẹ đang dùng thuốc khác có thành phần tetracycline (một loại kháng sinh), phenytoin, Daraprim và một số loại thuốc hóa trị nên nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng axit folic, vì có khả năng tương tác.
Khi bổ sung acid folic, mẹ bầu cần tránh dùng các loại thực phẩm: chè, cà phê,… vì nó làm giảm khả năng hấp thu acid folic của cơ thể.
Thời gian vàng để uống acid folic là nên uống giữa hai bữa ăn (1-2h sau ăn). Vitamin C làm tăng khả năng hấp thu của acid folic, do đó hãy uống acid folic cùng với nước cam, bưởi,...
Sắt có tác dụng tạo ra huyết tố- một thành phần của hồng cầu giúp vận chuyển oxy đến các mô, tế bào trong cơ thể. Khi mang thai nhu cầu về máu của mẹ tăng đáng kể (tăng gần 50%) để cung cấp oxy cho thai nhi, giúp bé yêu tăng trưởng và phát triển lành mạnh.
Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu. Thiếu máu khi mang thai dẫn đến sinh non, trầm cảm của mẹ và thiếu máu ở trẻ sơ sinh.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyên dùng 27mg sắt/ ngày với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên với những thai phụ bị thiếu sắt hoặc thiếu máu cần liều sắt cao hơn và chỉ uống bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thêm bớt liều lượng để tránh những hậu quả khôn lường.
Phụ nữ mang thai không bị thiếu sắt không nên dùng nhiều hơn lượng sắt khuyến cáo để tránh tác dụng phụ bất lợi. Chúng có thể bao gồm táo bón, nôn mửa và nồng độ hemoglobin cao bất thường.
Sau một giấc ngủ dài, hàm lượng sắt của cơ thể đang ở mức thấp nhất. Vì vậy, nên uống sắt vào bữa sáng, trước hoặc sau bữa ăn sáng 30 phút để lượng sắt được dung nạp vào cơ thể được nhiều nhất.
Sắt tồn tại chủ yếu ở dạng Fe+3 nhưng cơ thể chỉ hấp thu được Fe+2. Vitamin C giúp chuyển hóa Fe+3 thành Fe+2, do vậy nên uống thêm nhiều nước hoa quả có vitamin C để tăng độ hấp thụ sắt.
- Canxi: Chỉ 300 mg Canxi đã gây cản trở sự hấp thu của sắt. Vì vậy, không nên sử dụng cả hai loại thuốc bổ này đồng thời trong thời gian thai kỳ nếu không cần thiết. Trường hợp cùng bổ sung thì thời gian để uống 2 loại thuốc bổ này là 1-2 tiếng.
- Sắt bổ thật nhưng nó sẽ chẳng còn tác dụng gì nếu bạn đang uống cùng với những thuốc kháng sinh nhóm tetracyclin và nhóm quinolon, thuốc kháng acid, hormone tuyến giáp.
- Hạn chế rượu, bia, chè, cà phê vì nó vốn đã không tốt cho sức khỏe mẹ bầu mà còn làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể.
Canxi được biết đến với việc xây dựng hệ xương và răng chắc khỏe. Nhưng ít ai biết, canxi còn làm nhiệm vụ giữ cho máu và cơ bắp di chuyển, giúp dây thần kinh truyền tín hiệu từ não đến các phần còn lại của cơ thể. Chính vì thế, canxi được khuyên dùng để điều trị các triệu chứng mất ngủ, khó chịu, hay cáu gắt, trầm cảm sau sinh. Với mẹ bầu, canxi còn là “ vị thuốc thần” trong việc làm giảm các triệu chứng tê tay chân, đau lưng, chuột rút khi mang thai.
Với thai nhi, canxi giúp hình thành xương và răng chắc khỏe. Một đứa trẻ chắc chắn sẽ khỏe mạnh và ít bệnh, sức đề kháng tốt sau khi chào đời khi có mẹ bổ sung đầy đủ canxi trong suốt thời gian mang thai. Vì thế, hãy bổ sung Canxi để những tháng thai kỳ thật sự là thiên đường nhé, các mẹ!
Cơ thể không thể tư tạo ra Canxi, vì vậy mẹ bầu bắt buộc phải bổ sung Canxi từ thực phẩm hoặc thuốc bổ canxi.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng:
- Mẹ bầu từ 19 tuổi trở lên cần tiêu thu 1000 mg canxi/ ngày
- Với thai phụ dưới 19 tuổi, họ cần nhiều canxi hơn để duy trì và dự trữ canxi trong cơ thể của cả chính họ. do đó các chuyên gia khuyên thanh thiếu niên khi mang thai dưới 19 tuổi nhận ít nhất 1300 mg canxi/ ngày.
Ánh sáng mặt trời làm tăng khả năng hấp hấp thu canxi vì thế, uống canxi vào buổi sáng là tốt nhất (sau ăn sáng 1h). Ngoài ra, không nên bổ sung canxi vào buổi tối vì dễ bị tích tụ dẫn đến sỏi thận, tiết niệu.
Khi bổ sung canxi, không nên:
- Ăn mặn vì canxi có thể bị đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu
- Sữa và các sản phẩm từ sữa như phomai, kẹo sữa,… vì nó làm cơ thể khó hấp thu canxi
- Uống Canxi và sắt cùng một lúc
- Hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, cà phê,…
Nếu uống quá liều, canxi sẽ gây nên một số tác dụng phụ như cáu gắt, mất ngủ, sỏi thận,… vì vậy cần tuân thủ liều lượng theo quy định của bác sĩ. Nếu được bác sĩ cho phép, có thể chia nhỏ canxi thành nhiều bữa trong ngày.
Omega- 3 là acid béo không no chứa nhiều acid béo dinh dưỡng cho sức khỏe con người, trong đó DHA và EPA là hai acid béo quan trọng nhất.
Omega-3 có vô vàn tác dụng quan trọng đối với mẹ bầu và thai nhi:
- Với thai nhi: Omega-3 nổi tiếng với tác dụng phát triển trí não và thị lực, giúp trẻ linh động, hoạt bát về sau này. Omega-3 còn tăng cường hệ miễn dịch của thai nhi, giúp bé yêu khỏe mạnh, lành lặn, tránh các dị tật khi sinh ra.
- Với mẹ bầu: Tiền sản giật, đái tháo đường, sinh non, con nhẹ cân,… là tất cả những gì có thể xảy ra với mẹ bầu. Bổ sung Omega-3 sẽ ngăn chặn được những nỗi lo đó. Omega-3 còn giúp tạo sữa và nâng cao chất lượng sữa, chống trầm cảm sau sinh. Vì thế, sẽ thật tuyệt vời nếu Omega-3 là một loại thuốc bổ được các thai phụ lựa chọn trong thời gian mang thai.
500 mg/ ngày là lượng Omega-3 tối thiểu mà các chuyên gia khuyên dùng. Lượng này không duy trì trong suốt tam nguyệt thai kỳ mà thay đổi theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào sự phát triển của thai nhi và thể chất từng mẹ.
Các loại cá biển như cá thu, cá bơn, cá trích,… là những loại cá giàu Omega- 3 nhất. Tuy nhiên, cá biển khá độc vì nguy cơ bị nhiễm thủy ngân khá cao, ăn nhiều sẽ bị ngộ độc. Viên uống Omega- 3 cũng được lấy từ dầu của những loại cá này nhưng đã được khử độc và khử tanh trong quá trình sản xuất. Vậy nên các mẹ có thể yên tâm lựa chọn dầu Omega-3 phù hợp và dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Trên thị trường có rất nhiều loại dầu Omega-3, mẹ bầu cần xem kỹ thành phần, hàm lượng DHA, EPA trong mỗi loại trước khi mua. Đặc biệt chú ý đến xuất xứ, hạn sử dụng để không phí tiền oan mà còn có mang thêm bệnh.
Buổi sáng sáng là lúc tốt nhất để mẹ uống omega-3. Từ 14h trở đi, khả năng hấp thu Omega-3 sẽ giảm dần.
Cũng giống như nhiều loại thuốc bổ khác, dù tốt đến mấy cũng không thể tránh khỏi các tác dụng phụ. Tăng đường huyết, hạ huyết áp, tiêu chảy, trào ngược acid,… là những tác dụng khó tránh khỏi của Omega- 3. Tuy nhiên, nếu uống Omega-3 đủ liều lượng ( không uống quá liều) thì có thể hạn chế những tác dụng phụ này.
Bài viết trên hi vọng đã giúp mẹ biết được những dưỡng chất nào quan trọng cho thai kỳ và uống sao cho hiệu quả. Mẹ hãy chú ý bổ sung đầy đủ và đúng cách cho con khỏe mạnh mẹ nhé.