Giai đoạn thai nhi 34 tuần, mẹ bầu hãy chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho kế hoạch đón con yêu chào đời. Ở những tuần cuối thai kỳ, con vẫn tiếp tục phát triển các bộ phận như thị giác, não bộ hay khung xương. Mẹ hãy cùng Avisure tìm hiểu về những thay đổi ở cả mẹ và con trong khoảng thời gian thai 34 tuần.
Thai nhi 34 tuần tuổi trông bụ bẫm hơn nhờ lớp mỡ tích dưới da. Da bé cũng đỡ đỏ hơn, đồng thời ít nhăn và mịn màng hơn bao giờ hết. Thận của bé đã trưởng thành, và tham gia đào thải, gan có thể tham gia chức năng tiêu hóa để sản xuất chất cặn bã.
Do đó, ruột của bé đã có thể chứa đầy phân, một số trẻ sẽ thải chất này ngay trong bụng của mẹ - một chất màu đen, dính như nhựa. Điều này làm nước ối chuyển từ trong, không màu sang màu xanh, có nghĩa là cơ thể bé đang có vấn đề. Nếu mẹ bị vỡ ối và thấy điều này, hãy báo với bác sĩ để được lời khuyên chính xác nhất.
Nơ-ron thần kinh của bé đang rất phát triển, làm các giác quan trở nên hoàn thiện hơn. Đặc biệt, con ngươi đã co giãn được, có nghĩa là nếu được sinh ra bây giờ, bé có thể nhận biết được các hình thù xung quanh. Các phần xương trong cơ thể đang ngày càng cứng cáp. Tuy nhiên, sọ não của thai nhi 34 tuần tuổi chưa có sự gắn kết mà vẫn còn là các mảnh xương rời nhau để bé có thể “chui” qua cổ tử cung chật hẹp lúc sinh.
Khi thai nhi 34 tuần, tử cung ngày càng ít không gian trống cho bé chuyển động, vì thế cử động của bé sẽ chậm hơn, nhưng bù lại sẽ lớn hơn, mạnh hơn vì bé đang ngày càng lớn và khỏe mạnh hơn. Tuần này, hầu hết các em bé quay đầu xuống dưới nhưng nếu bạn mang thai lần 2, quá trình này có thể mất nhiều thời gian hơn.
Hệ thống miễn dịch đang phát triển để cung cấp cho bé một số sự bảo vệ chống lại nhiễm trùng khi bé tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Ở giai đoạn này, nhau thai đã hoàn toàn trưởng thành và sẽ bắt đầu già từ bây giờ. Nếu mẹ có đang lo lắng về chuyện sinh non, mẹ hãy yên tâm khi biết rằng các bé được sinh ra giữa tuần thứ 34 và 37 sẽ không có vấn đề gì về sức khỏe nào khác so với khi bé ở trong bụng bạn.
2. Các chỉ số thai nhi 34 tuần
Ở giai đoạn những tuần cuối của thai kỳ, hầu hết các bé đã đạt được các chỉ số sau:
- Chiều dài cơ thể (từ đầu đến ngón chân cái): khoảng 46 cm.
- Cân nặng của thai 34 tuần: khoảng 1,9kg đến 2,7kg
- Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 79 - 93mm
- Chu vi vòng đầu (HC): khoảng 285 - 332mm
- Chu vi vòng bụng (AC) dao động từ 265 đến 330mm
- Chiều dài xương đùi (FL): khoảng 59-70mm
3. Sự thay đổi cơ thể mẹ trong giai đoạn thai nhi 34 tuần
Những cơn co thắt giả kéo dài trong khoảng 30 giây rất có thể sẽ xuất hiện vào thời điểm thai nhi 34 tuần tuổi. Mẹ sẽ cảm thấy cứng bụng hoặc giống như bụng bị co chặt lại. Nếu những cơn đau diễn ra thường xuyên và trở nên mạnh mẽ hơn, mẹ nên kiểm tra và xin ý kiến của bác sĩ.
Hãy thử tưởng tượng nhé, bình thường tử cung của mẹ sẽ bị khuất hẳn trong khung xương chậu, vậy mà đến thời điểm mang thai tuần 34, tử cung đã được đẩy lên chạm tới khung xương sườn. Vì thế, tử cung sẽ chèn ép các cơ quan nội tạng của mẹ. Điều này làm cho tần suất đi tiểu của mẹ nhiều hơn, mẹ có thể sẽ gặp phải chứng ợ nóng và một số vấn đề tiêu hóa khác thường xuyên hơn.
Mỗi đêm mẹ sẽ phải đi vệ sinh đến vài lần, hãy mở đèn ngủ và đèn nhà vệ sinh để mẹ có thể dễ dàng đi lại một cách cẩn thận và an toàn. Nhất là khi bụng bầu ngày càng to, việc đi lại bình thường vốn cũng đã mệt mỏi và khó khăn rồi.
Ngoài ra, bầu ngực của mẹ sẽ tiếp tục phát triển lớn hơn, đầu vú cũng lớn dần và sậm hơn để chuẩn bị cho quá trình tạo sữa nuôi con.
Vào thời điểm thai nhi 34 tuần tuổi, nếu tình trạng giữ nước làm chân, tay, mặt và mắt cá chân của mẹ hơi phù nề, mẹ hãy uống nước thường xuyên và đều đặn. Mẹ có thể sẽ cảm thấy thật kì lạ khi uống nhiều nước lại giúp giảm phù nề, nhưng đây hoàn toàn là sự thật. Nhất là khi thai nhi và cơ thể bạn, đặc biệt là thận cần rất nhiều nước. Tuy nhiên, nếu thấy tay hay mặt sưng húp một cách nhanh chóng, có thể đó là dấu hiệu của tiền sản giật. Hãy gặp bác sĩ để xin ý kiến tư vấn tốt nhất.
Thai nhi 34 tuần tuổi đang trong giai đoạn phát triển quan trọng, mẹ nên thực hiện chế độ khám thai hàng tuần để kiểm tra cân nặng, kích thước tử cung, cũng như nước tiểu và huyết áp, đặc biệt là kiểm tra Liên cầu khuẩn nhóm B trong âm đạo và ruột của mẹ. Đây là một loại vi khuẩn có thể vô hại với cơ thể mẹ nhưng nếu lây sang thai nhi thì sẽ gây những biến chứng nghiêm trọng. Ví dụ như viêm phổi, viêm màng não hay nhiễm trùng máu. Nếu phát hiện có xuất hiện Liên cầu nhóm B này, mẹ cũng đừng quá lo lắng, mẹ sẽ được uống kháng sinh, điều này sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng cho bé.
Khi mẹ mang thai 34 tuần, một số các triệu chứng khác vẫn tiếp tục từ các tuần trước như việc ngứa râm ran, mệt mỏi, mất ngủ, đau lưng, chuột rút, rạn da… Nếu không có dấu hiệu gì bất thường về mức độ hay tần suất, mẹ bầu không cần lo lắng quá về chúng. Đó là những triệu chứng bình thường mà bà mẹ nào cũng gặp phải.
4. Lời khuyên cho mẹ mang thai 34 tuần
Chỉ một vài tuần nữa thôi là mẹ đã có thể gặp mặt con yêu của mình rồi. Mẹ hãy lưu ý các điều sau đây để thai nhi 34 tuần của mẹ được bình an và khoẻ mạnh khi chào đời:
- Đánh răng đầy đủ:
Viêm lợi có thể là nguyên nhân gây ra sinh non. Đánh răng ít nhất hai lần một ngày, dùng chỉ nha khoa, và khám răng thường xuyên là rất quan trọng. Vi khuẩn gây sâu răng sẽ phát triển rất nhanh, nếu không cẩn thận mẹ còn có thể khiến chúng lây nhiễm sang trẻ!
- Nghỉ trưa không quá 1 giờ:
Ngủ trưa rất quan trọng, nó giúp bà mẹ mang thai giảm mệt mỏi và buồn ngủ, tuy nhiên ngủ quá nhiều có thể làm mẹ mất ngủ về đêm, vì vậy không nên nghỉ trưa quá 1h.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh:
Vào thời điểm thai nhi 34 tuần tuổi, mẹ bầu vẫn nên duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh trước đó. Nếu thèm ăn vặt, hãy chọn những món giàu chất xơ, canxi, sắt, đạm, vitamin B, C. Ba mẹ cũng có thể dự trù những món này trong tủ lạnh để sẵn sàng hâm nóng khi muốn ăn.
- Tập cho con bú:
Nếu mẹ mang thai lần đầu, mẹ có thể thấy việc cho con bú không hề đơn giản như mình vẫn nghĩ. Đặc biệt khi mẹ phải cho con bú nơi công cộng. Hãy tập làm điều này trước gương, chọn cho mình tư thế thích hợp và thoải mái. Có thể dùng tấm vải hay màng chắn nếu mẹ phải cho con bú nơi đông người.
- Lên kế hoạch cho việc sinh nở
Ở thời điểm thai nhi 34 tuần, mẹ và gia đình cần phải lên kế hoạch để sẵn sàng đến bệnh viện trong trường hợp khẩn cấp. Ghi lại tên người liên lạc trong trường hợp khẩn cấp và đảm bảo rằng mẹ có số điện thoại của họ.
- Tìm hiểu về chuyển dạ sớm:
Nếu cơn chuyển dạ bắt đầu trước tuần thứ 37, đây thường sẽ là chuyển dạ sớm. Tỷ lệ sinh non của phụ nữ trên 35 tuổi khá là cao. Nếu mẹ bầu bị co thắt, hãy thử thay đổi tư thế hoặc đi bộ một chút. Nếu đó là một cơn chuyển dạ giả, cơn đau sẽ giảm trong một vài phút. Nhưng nếu cơn đau tiếp tục, đã đến lúc gọi bác sĩ.
Như vậy, bài viết trên đã cung cấp cho mẹ và gia đình những thông tin cần thiết về sự phát triển của thai nhi 34 tuần và những sự thay đổi ở cả mẹ và con. Chúc mẹ bầu luôn khoẻ mạnh và vượt cạn thành công.