Thiểu ối có thể hiểu đơn giản là tình trạng nước ối ít hơn so với lượng nước ối bình thường trong cơ thể mẹ khi mang thai. Khi thăm khám, nếu mẹ có chỉ số nước ối AFI nhỏ hơn 5cm, chỉ số xoang ối lớn nhất nhỏ hơn 2cm và màng ối còn nguyên thì nguy cơ cao mẹ đã bị thiếu ối. Tình trạng thiếu ối xảy ra nghiêm trọng nhất khi mẹ có chỉ số AFI nhỏ hơn 3cm.
Nguyên nhân gây thiếu ối ở bà bầu rất đa dạng và phức tạp. Mẹ có thể bị thiểu ối do bất thường đến từ mẹ, từ thai nhi hoặc do nhau thai.
Theo TS. BS. Nguyễn Cảnh Chương đang công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nguyên nhân gây thiếu ối thường gặp nhất là do tình trạng sức khoẻ của người mẹ. Nếu trong quá trình mang thai, mẹ gặp phải các vấn đề sau đây thì có nguy cơ cao gây thiếu ối cho thai nhi:
- Mẹ mắc các bệnh lý về gan, thận mạn tính, tiểu đường thai kỳ, bệnh tim, huyết áp,...
- Mẹ đang sử dụng các thuốc gây ảnh hưởng xấu đến lượng nước ối và nhau thai như thuốc chống viêm không steroid NSAIDs, thuốc ức chế tổng hợp Prostaglandin như Celecoxib,...
- Chế độ ăn uống và dinh dưỡng của mẹ không hợp lý gây thiếu ối khi mang thai
- Mẹ không uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày sẽ khiến lượng ối trong cơ thể thiếu giảm
- Thường xuyên làm việc quá sức và không được nghỉ ngơi cũng là nguyên nhân gây thiếu ối ở mẹ bầu
Các bất thường từ phía thai nhi có thể là nguyên nhân gây ra thiếu ối ở người mẹ khi mang bầu. Tuy nhiên, tình trạng thiếu ối do thai thường xảy ra khi thai nhi được 17-20 tuần tuổi. Tại giai đoạn này, một số cơ quan trong cơ thể của bé như thận, tiết niệu đã được hoàn thiện đầy đủ, các bất thường nếu có đã được biểu hiện và gây ra thiểu ối ở mẹ bầu. Các vấn đề sau đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra thiểu ối:
- Thai phát triển chậm hoặc thai quá 40 tuần
- Thai nhi mắc các dị tật tại đường tiết niệu hoặc tại thận
- Bào thai bị nhiễm trùng hoặc thai chết lưu
- Bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi
Thiếu ối do phần phụ của thai xảy ra khi nhau thai gặp các vấn đề như nhau bong non, suy giảm chức năng của tử cung - bánh nhau hoặc trường hợp song thai, đa thai có chung 1 bánh nhau, thuyên tắc nhau. Các vấn đề này sẽ khiến chức năng tái tạo nước ối bị suy giảm và gây ra thiếu ối ở mẹ bầu.
Ngoài ra, tình trạng thiếu ối có thể xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng. Điều quan trọng để phòng tránh thiếu ối là mẹ cần theo dõi sức khoẻ thai kỳ cẩn thận, đặc biệt là nhóm mẹ bầu có nguy cơ cao. Khi phát hiện các dấu hiệu lạ và bất thường, mẹ cần đi khám ngay để được các bác sĩ xử trí kịp thời.
Một số dấu hiệu thiếu ối dễ nhận biết nhất cho mẹ bầu là:
- Chỉ số chu vi vòng bụng thấp, không tương ứng với tuổi thai
- Thai cử động yếu, thai máy mạnh khiến mẹ bị đau
- Sờ thấy thai sát ngay da bụng của mẹ, không cảm thấy có nước ối trong túi thai
Khi gặp các dấu hiệu này, lời khuyên cho mẹ là đi khám siêu âm ngay lập tức. Thông qua siêu âm, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng nước ối của mẹ và có biện pháp xử lý phù hợp. Theo các bác sĩ sản khoa tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nếu mẹ bị thiếu ối trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên, nguy cơ sảy thai, thai chết lưu lên đến 80%. Tình trạng thiểu ối 3 tháng giữa và 3 tháng cuối có thể gây cho thai nhi bị dị tật bẩm sinh hoặc suy dinh dưỡng nếu không được điều trị kịp thời.
Khi mẹ bầu phát hiện mình bị thiếu ối, mẹ hãy tham khảo một số biện pháp sau nhằm giúp tăng lượng nước ối trong cơ thể một cách hiệu quả và nhanh chóng:
- Uống nhiều nước
Mẹ nên uống đủ 8-10 ly nước tương đương 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Đặc biệt, khi trời nắng nóng hoặc vận động liên tục khiến mẹ đổ mồ hôi nhiều, mẹ cần uống nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng nước đã mất. Đây là cách hiệu quả để tăng lượng ối trong cơ thể cho các mẹ bầu đang bị thiếu.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, không vận động mạnh
Mẹ bầu bị thiểu ối cần được nghỉ ngơi đầy đủ và tránh các hoạt động quá sức. Mỗi ngày, mẹ cần ngủ đủ 8 tiếng buổi tối, 30 phút buổi trưa kèm các lần nghỉ giữa giờ khoảng 5-10 phút để giảm mệt mỏi.
- Khám thai thường xuyên
Mẹ bầu cần đi khám thai thường xuyên và đúng theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tình trạng thiểu ối. Tuỳ thuộc vào tình trạng thiếu ối mà bác sĩ sẽ ra quyết định có cần chấm dứt thai kỳ hay không
- Truyền dịch ối
Phương pháp truyền dịch ối có thể được thực hiện khi mẹ bầu đang trong giai đoạn 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối. Đây là phương pháp hỗ trợ tạm thời cho mẹ bầu và chỉ giúp thai nhi phát triển trong thời gian ngắn. Mẹ có thể được truyền dịch ối khi có sự chỉ định của bác sĩ.
Như vậy, bài viết trên đã trình bày rõ ràng các nguyên nhân, dấu hiệu và điều mẹ cần làm khi bị thiểu ối. Chúc mẹ luôn giữ gìn sức khoẻ và có một hành trình thai kỳ thật an toàn.