Sự phát triển của thai nhi 36 tuần
Đây là tuần đầu tiên của tháng thứ 9 trong thai kỳ. Vì vậy, trong giai đoạn này, các bộ phận của thai nhi đã có sự phát triển gần như là hoàn thiện.
Thai nhi 36 tuần đã có thể cao từ 44-46cm, nặng từ 2,6kg-2,75kg. Lớp lông tơ và lớp sáp bao phủ cơ thể bé đang “rụng” dần. Cùng với đó, lớp mỡ dưới da bé đã phát triển đều hơn. Do đó mà bé cũng đã tròn trịa hơn. Nhiều bé khi được được sinh ra đã có mái tóc dày, dài từ 1,5-4cm. Một hộp sọ mềm cho phép bé chui qua khu vực khung chậu một cách dễ dàng và thích ứng với hình dạng của ống dẫn sinh của mẹ. Không chỉ là hộp sọ mà hầu hết xương của em bé đều mềm mại - chúng sẽ cứng lại khi con bạn lớn lên. Bên cạnh đó, mẹ bầu mang thai tuần 36 cũng sẽ cảm nhận được rằng, bé không còn quấy đạp như giai đoạn trước. Rất đơn giản bởi vì giai đoạn này, bé chủ yếu dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ để chuẩn bị cho sự kiện ra đời sắp tới.
Những thay đổi ở cơ thể mẹ
Kích thước của thai nhi 36 tuần sẽ khiến cho bụng của mẹ to ra rõ rệt. Mẹ bầu sẽ cảm giác cơ thể mình nặng nề hơn. Bạn sẽ không thể nhìn thấy đầu gối và chân, phần dưới bụng cảm giác như không hề còn tồn tại bởi đơn giản bạn không thể nhìn thấy chúng.
Tìm được tư thế nằm thoải mái trong giai đoạn mang thai tuần 36 cũng là một điều thật khó khăn với mẹ bầu. Tuy nhiên theo nghiên cứu, tư thế tốt nhất là nằm nghiêng bên trái, chân phải co lên và đặt chân lên một chiếc gối.
Vào thời điểm tuần thai thứ 36, hầu hết thai nhi đã rơi vào vùng chậu. Áp lực to lớn đối với bàng quang khiến cho nó không thể chứa được nhiều nước tiểu. Hormone thai kỳ hCG làm tăng lưu lượng máu đến vùng chậu và thận, làm cho bạn thấy cần đi tiểu ngay lập tức. Không nên có suy nghĩ hạn chế lượng chất lỏng uống vào vì cơ thể bạn cần nước để tránh bị phù nề và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Bàn chân của mẹ bầu khi thai nhi 36 tuần tuổi sẽ có hiện tượng bị phù nề trông giống như đang bị sưng tấy vậy. Mẹ bầu sẽ không thể nhận diện được bàn chân và mắt cá chân vì trông chúng cứ như đang lẫn vào với nhau. Nghe có vẻ buồn cười nhưng đó là sự thật đấy.
Bầu ngực bạn sẽ căng sữa hơn. Do vậy mà bạn sẽ có cảm giác ngực nặng nề hơn. Tuy nhiên, hãy cảm thấy vui vì điều đó có nghĩa là bạn sẽ có nguồn sữa dồi dào cho bé sau này.
Mẹ bầu cũng nên tránh đám đông và người ốm trong giai đoạn này để hạn chế tối đa khả năng bị ốm, bởi mẹ bầu cần phải giữ sức khỏe để chuẩn bị cho sự kiện lâm bồn sắp tới.
Những chuẩn bị về tâm lý cho mẹ
Khi thai nhi 36 tuần tức là bạn đang ở thời điểm nước rút cho sự kiện “lâm bồn”. Điều này chắc hẳn sẽ khiến nhiều mẹ bầu không khỏi lo lắng. Mẹ hãy tham khảo những lời khuyên sau đây:
- Hãy giữ một tinh thần thoải mái, sảng khoái. Đừng lo lắng gì cả. Bởi vì nếu bạn lo lắng, căng thẳng thì cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của bé sau khi sinh ra đó.
- Hãy chuẩn bị những vật dụng cho cả mẹ và bé cần thiết sau khi sinh. Nếu bạn mang thai lần đầu thì chuyện này sẽ rất bỡ ngỡ và tiêu tốn của bạn khá nhiều chi phí đó. Hãy tham khảo từ phía những người thân nhé. Còn nếu bạn đã từng trải qua chuyện này, có lẽ bạn đã có đủ kinh nghiệm rồi.
- Thử đọc một vài cuốn sách về chăm trẻ sau sinh hoặc giáo dục trẻ. Bạn sẽ có thể cảm thấy thoải mái và có những kiến thức bổ ích về chăm con đó.
Lời khuyên về dinh dưỡng cho mẹ khi thai nhi 36 tuần
Trong giai đoạn này, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ chất, sạch sẽ cũng là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Lời khuyên cho mẹ chính là:
- Uống nhiều nước trong ngày: Việc uống nhiều nước sẽ giúp mẹ đào thải nhiều hơn những chất thải của cả mẹ và bé. Nên uống khoảng 2-3 lít nước một ngày, chia làm 11-12 lần, mỗi lần 200ml.
- Bổ sung những thực phẩm giàu sắt trong giai đoạn này để duy trì đủ lượng máu cần thiết cho mẹ và thai nhi.
- Hạn chế ăn muối, ăn mặn bởi nó sẽ khiến thận giữ nhiều nước hơn, khiến mẹ bầu buồn tiểu hơn.
- Ngoài ra, mẹ bầu mang thai tuần 36 cũng cần bổ sung đầy đủ canxi, chất xơ cần thiết cho cơ thể nhé.