Tự lập mà một đức tính cơ bản mà bất cứ bố mẹ nào cũng muốn rèn giũa cho con mình. Bởi không người cha người mẹ nào có thể luôn ở bên cạnh con, bảo vệ chăm sóc cho con được, vì vậy, việc dạy con tính tự lập để con biết tự lo cho bản thân mình, biết tự bảo vệ mình là điều cần thiết. Đặc biệt, đức tính tự lập cũng đóng vai trò quan trọng, giúp cho sau này khi trưởng thành, con bạn có thể bản lĩnh, tự tin hơn trong cuộc sống.
Dưới đây là 5 phương pháp giúp rèn giũa tính tự lập ở trẻ cực kỳ hiệu quả, các bố các mẹ hãy tham khảo và áp dụng nhé!
1. Tách trẻ ra khỏi mẹ dần dần
Vì tâm lý yêu thương và muốn bảo bọc con nên nhiều mẹ có thói quen ôm ấp bé mọi lúc mọi nơi. Điều này vô hình chung đã làm trẻ “quen hơi” mẹ và mỗi khi không có mẹ thì bé có thể quấy khóc, không chịu ăn, không tự chơi được. Vì vậy nên ngay từ khi trẻ được khoảng 5-6 tháng tuổi, mẹ đã có thể dạy con tự lập bằng cách rèn cho con ngủ riêng vào buổi tối. Và mỗi khi cho bé bú/ăn xong mẹ cũng nên cho bé tự nằm chơi để bé quen dần với việc tự chơi một mình.
2. Dạy trẻ làm những công việc phù hợp tùy từng độ tuổi
Ở mỗi giai đoạn, mỗi lứa tuổi của trẻ, bố mẹ có thể dạy con tự lập bằng cách hướng dẫn con làm những công việc vừa sức, nằm trong khả năng của con. Ban đầu trẻ có thể sẽ lóng ngóng, sẽ làm sai, làm hỏng, thế nhưng bố mẹ cũng đừng vội la mắng mà hãy nhẹ nhàng động viên, hướng dẫn trẻ cách làm chính xác. Khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ làm những việc đơn giản như tự chơi một mình với đồ chơi (nhưng bạn vẫn phải để ý trông chừng bé), dạy trẻ tự thu dọn đồ chơi, tự xúc cơm ăn, tự chọn quần áo mặc hàng ngày. Đến khi bé lớn hơn một chút, mẹ hãy dạy bé cách tự đánh răng, tự mặc quần áo, giúp đỡ bố mẹ những công việc nhà đơn giản…
3. Phân công công việc rõ ràng cho từng thành viên trong gia đình
Để nâng cao ý thức tự giác và trách nhiệm của bé, bố mẹ nên phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên. Ví dụ như bố mẹ có thể phân công các bé làm nhiệm vụ rửa rau quả cho mẹ khi mẹ nấu ăn, lau bàn ăn, sắp chén bát khi đến giờ cơm, xách những túi đồ nhỏ phụ mẹ khi 2 mẹ con đi siêu thị… Để bé hình thành được thói quen tự giác làm những việc này thì bố mẹ cần kiên nhẫn nhắc nhở bé làm thường xuyên.
4. Luôn ở bên trông chừng trẻ nhưng hạn chế tối đa sự trợ giúp
Trẻ nhỏ rất cần được cha mẹ yêu thương, bảo bọc, vậy nên dạy con tự lập không có nghĩa là “buông” hoàn toàn cho con tự làm mà không ở bên trông chừng, che chở, ủng hộ các bé. Thay vào đó, bố mẹ nên ở cạnh bé để cổ vũ bé, nhưng bố mẹ hãy nhớ phải hạn chế tối đa sự giúp đỡ, đừng vì thấy bé lóng ngóng hay sợ bé làm hỏng, làm sai mà vội vàng xắn tay vào làm thay bé. Vì nếu bố mẹ cứ giúp đỡ như thế, bé sẽ khó mà học được cách tự lập khi làm mọi việc.
5. Khen ngợi, động viên đúng lúc
Sau mỗi việc mà trẻ làm được, bố mẹ hãy đưa ra những lời khen tích cực, kèm theo đó bố mẹ cũng nên đặt con ngang bằng khi trò chuyện, khen ngợi. Ví dụ, bố mẹ có thể nói “Cảm ơn vì con đã giúp mẹ lau bàn”, “cảm ơn con vì đã xách đồ giúp mẹ”,.. Bằng cách này, trẻ sẽ cảm thấy tự hào và có động lực để cố gắng làm tốt hơn nữa.
Mỗi đứa trẻ sẽ có thiên hướng tính cách và sự phát triển khác nhau, vì vậy bố mẹ cần chú ý quan sát con mình để tìm ra thời điểm thích hợp nhất và bắt đầu những bài học dạy con tự lập. Và hy vọng rằng 5 phương pháp dạy con tự lập trên đây sẽ giúp ích bố mẹ trong việc rèn giũa tính tự lập của con trẻ!