Cuộc sống hiện đại bận rộn cùng với những yêu cầu về công việc khiến nhiều mẹ bỉm sữa thường chỉ nghỉ sinh con được từ 4-6 tháng, sau thời gian đó, các mẹ phải quay trở lại với công việc. Cũng có nghĩa là các mẹ sẽ phải phó thác lại hoàn toàn việc chăm con vào ban ngày cho bà nội, bà ngoại hoặc người giúp việc. Nhưng trẻ trong giai đoạn này vẫn rất cần được bú sữa mẹ, vì thế nhiều chị em đã chọn cách vắt sữa từ trước và trữ sẵn trong tủ lạnh để cho bé bú sữa mẹ trong ngày.
Điều tuyệt vời là nếu mẹ biết cách vắt và bảo quản sữa mẹ đúng cách, thời gian bảo quản sữa mẹ trong tủ đông có thể lên đến 6 tháng hoặc hơn thế mà các chất dinh dưỡng trong sữa vẫn không mất đi.
Cụ thể, trong nhiệt độ phòng, sữa mẹ mới vắt ra cũng có thể để được 4 tiếng với điều kiện nhiệt độ ở khoảng 26°C, 10 tiếng với điều kiện nhiệt độ khoảng 21°C, và nếu nhiệt độ hạ thấp xuống 16°C vào mùa đông, sữa có thể bảo quản được tối đa 24 tiếng. Nhiệt độ càng cao thì thời gian bảo quản sữa mẹ càng rút ngắn do vi khuẩn sẽ phát triển nhanh hơn trong điều kiện nhiệt độ cao.
Sữa được trữ trong ngăn mát tủ lạnh có thể bảo quản tối đa 3 ngày, tương đương với 72 tiếng. Tuy nhiên mẹ lưu ý không để sữa ở cánh tủ lạnh vì đây là vị trí ít lạnh nhất. Với ngăn đá, nếu là tủ lạnh loại 1 cánh, với nhiệt độ rơi vào khoảng -15°C, sữa có thể giữ được 2 tuần. Nếu ngăn đá tủ lạnh có cửa riêng ngăn với ngăn mát, nhiệt độ thường tương đương -18°C và mẹ có thể yên tâm trữ sữa trong khoảng 3 tháng.
Đặc biệt, với những loại tủ lạnh có công nghệ không đóng tuyết, nhiệt độ trong ngăn đông đá vào khoảng -20°C, và thời gian bảo quản sữa mẹ có thể kéo dài từ 6-12 tháng. Nếu biết tận dụng điều này thì mẹ vẫn có thể cho bé bú sữa mẹ cho đến tận khi bé được 2 tuổi, thật tuyệt vời phải không các mẹ?
Tuy nhiên, vì sữa trữ trong tủ lạnh sẽ bị đông lại nên khi muốn cho bé bú, mẹ cần hâm nóng sữa đúng cách. Dưới đây là một số lưu ý dành cho mẹ:
1. Sau thời gian bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh, mẹ đừng hâm nóng sữa đột ngột mà hãy để sữa có thời gian tan ra từ từ bằng cách để sữa đông lạnh xuống dưới ngăn mát hoặc để ra ngoài nhiệt độ phòng. Tránh tuyệt đối việc hâm sữa bằng lò vi sóng hay bằng bất cứ hình thức nào khác. Bởi việc này sẽ làm nóng sữa mẹ không đều và đồng thời còn làm mất đi một số chất dinh dưỡng có trong sữa. Tuy nhiên, nếu bé có thể uống sữa mẹ vắt ra ở nhiệt độ phòng thì mẹ không nhất thiết phải hâm nóng nữa.
2. Không nên dùng lại sữa đã hâm nóng mà bé bú không hết. Bởi lẽ một lượng lớn vi khuẩn từ miệng bé đã phát triển ở trong sữa sau khi bé uống sữa mẹ vắt ra rồi.
3. Một số trường hợp sữa mẹ sau khi vắt ra và bảo quản trong tủ lạnh có mùi lạ như mùi kim loại, mùi tanh. Trong trường hợp này, nguyên nhân là do enzym lipase đã bẻ gãy các chất béo ở sữa mẹ sau thời gian bảo quan sữa mẹ trong tủ lạnh. Tuy nhiên sữa mẹ vẫn an toàn và mẹ vẫn có thể cho bé bú như bình thường.