Trong những tháng đầu đời, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chủ yếu và tốt nhất cho trẻ. Hàm lượng các dưỡng chất như chất đạm, chất bột đường, vitamin và khoáng chất, cũng như các chất vi lượng trong sữa mẹ thích ứng một cách chính xác với các nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ sơ sinh. Vì thế các chuyên gia thường khuyến cáo phụ nữ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.
Tuy nhiên, vì một vài lý do khách quan như mẹ phải đi làm sớm, mẹ đang phải dùng kháng sinh, sữa về quá nhiều khiến ngực mẹ căng tức, hoặc chỉ đơn giản là vì mẹ muốn có sữa dự trữ mà các mẹ bỉm sữa thường vắt hoặc hút sữa rồi tìm cách bảo quản sữa mẹ để bé dùng dần. Việc vắt sữa và bảo quản như thế này còn giúp sữa mẹ được tiết đều đặn hơn và không bị tắt sữa đột ngột.

Thường thì mẹ có thể vắt sữa bằng tay hoặc nhờ đến sự trợ giúp của máy hút sữa. Sữa vắt ra nên được đựng trong túi chuyên dụng hoặc bình nhựa/thủy tinh đã được luộc vô trùng rồi bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đông. Với cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh, sữa mẹ vắt ra có thể để được 72 giờ. Nếu mẹ sử dụng ngăn đá với nhiệt độ nằm trong khoảng -18°C đến -20°C, sữa có thể trữ được đến 6 tháng cơ đấy! Tuy nhiên bảo quản trong thời gian dài như vậy có thể làm giảm mất lượng kháng thể có trong sữa.
Một vài lưu ý trong cách bảo quản sữa mẹ
- Sữa mẹ mới vắt có thể được bảo quản trong một khoảng thời gian khá dài ở nhiệt độ phòng. Cụ thể:
- Ở nhiệt độ 26°C, thời gian bảo quản tối đa là 4 giờ
- Ở nhiệt độ 21°C, thời gian bảo quản tối đa là 10 giờ
- Ở nhiệt độ 16°C, thời gian bảo quản tối đa là 24 giờ
- Nếu bạn chọn cách bảo quản sữa mẹ trong ngăn đá, khi cho sữa vào túi/bình chuyên dụng, mẹ không nên đổ đầy bởi sữa đông sẽ có thể tích lớn hơn, dễ làm vỡ túi/bình.
- Mỗi túi/bình chỉ nên đổ vừa cữ sữa mà bé bú trong 1 lần, tránh trường hợp đổ quá nhiều hoặc quá ít gây khó khăn trong việc rã đông lượng sữa thích hợp cho bé.
- Mẹ nên cất túi/bình sữa theo thứ tự: túi/bình nào cũ nhất thì để ngoài cùng. Túi/bình nào mới nhất thì để trong cùng. Tốt nhất mẹ nên ghi chú ngày vắt trên túi/bình để dễ dàng phân biệt và sử dụng.
Bên cạnh cách bảo quản sữa mẹ thì các chị em còn cần lưu ý đến cách rã đông để sao cho sữa mẹ vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng cao nhất cho bé.
Một vài lưu ý trong cách rã đông sữa mẹ
- Khi cần rã đông sữa, mẹ nên lấy sữa từ ngăn đá cho vào ngăn mát từ trước để sữa tan dần. Sau đó, khi sữa tan rồi, mẹ hãy hâm nóng nữa bằng cách ngâm túi/bình chuyên dụng vào nước nóng có nhiệt độ khoảng 40°C.
- Mẹ nên nhớ tuyệt đối không được làm nóng sữa nhanh bằng bất cứ cách nào, vì việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể làm mất chất dinh dưỡng có trong sữa.
- Trước khi cho bé bú, mẹ nên kiểu tra độ nóng của sữa. Cho bé bú ngay sau khi sữa vừa được hâm nóng là tốt nhất.
- Sữa đã lấy ra khỏi tủ đông/tủ lạnh chỉ nên sử dụng trong vòng 24 giờ, nếu bé bú không hết thì mẹ cũng đừng tiếc sữa mà hãy bỏ phần sữa thừa đi nhé.
- Không pha lẫn sữa mới vắt với sữa đông lạnh.
Trên đây là một số lưu ý về cách bảo quản sữa mẹ tốt nhất, các mẹ hãy tham khảo và áp dụng theo để đảm bảo sữa luôn đủ dinh dưỡng cho con nhé!