Khô ối khi mang thai hay còn gọi là thiểu ối là một biến chứng thai kỳ nguy hiểm mà bất kỳ thai phụ nào cũng có thể gặp phải.
Tình trạng khô ối hay thiểu ối được xác định chính xác nhất thông qua chỉ số AFI (chỉ số nước ối của sản phụ). Cụ thể, khi tiến hành siêu âm 4 túi ối lớn nhất chung quanh góc trên thành bụng của mẹ bầu, lượng ối đạt dưới mức 3cm - tín hiệu cảnh báo mẹ đang bị khô ối trầm trọng.
Nước ối là chất lỏng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự sống của thai nhi. Dung dịch này như phần đệm hay nút giao giữa thai nhi và tử cung trong bụng mẹ. Do vậy, nước ối vừa là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho sự phát triển của con yêu, vừa đảm bảo bé được an toàn và tránh được những va đập do tác động ngoại cảnh.
Lượng nước ối sẽ tăng dần, tỉ lệ thuận với tuần tuổi của thai kỳ. Cụ thể, vào thời gian em bé được 4-8 tuần, lượng nước ối sẽ đạt khoảng 50 ml và sẽ tiếp tục tăng lên đến 1000ml vào tuần thứ 37, 38 của thai kỳ. Khô ối khi mang thai là tình trạng mức nước ối của mẹ thấp hơn nhiều so với mức quy định tối thiểu trên.
Cạn ối có thể đến từ phía mẹ, do rủi ro vỡ màng ối sớm, hay màng ối có những vết xước nhỏ dẫn đến nước ối bị rỉ ra ngoài theo đường âm đạo. Lượng nước ối bất thường còn do mẹ đã có tiền sử các bệnh lý như huyết áp cao, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật,...
Nguyên nhân khô ối khi mang thai còn do vấn đề từ chính thai nhi. Nước ối được coi là dung dịch luân lưu, do kể từ tuần thứ 20 trở đi, thai nhi sẽ nuốt một lượng nước ối nhất định rồi lại tái hấp thu từ màng nhau, dây rốn và nước tiểu của em bé.
Các bác sĩ phụ sản đã khẳng định cạn ối hay khô ối có thể do thai nhi gặp những bất thường ở thận, di tật tại hệ bài tiết, thuận loạn sản,.. làm cho thận của thai nhi không cung cấp đủ lượng ối cần thiết để bổ sung lại trong một vòng luân lưu, khiến buồng ối bị cạn ối.
Bên cạnh những lý do trên, khô ối còn có nguyên nhân sâu xa do thai nhi mắc bệnh lý di truyền từ cha mẹ như: Hội chứng down do bất thường trong nhiễm sắc thể, hội chứng Turner,....
Xem thêm:
Cảnh báo dấu hiệu thiểu ối 3 tháng giữa dễ nhận biết cho mẹ
Theo các bác sĩ chuyên khoa phụ sản tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, độ nghiêm trọng của biến chứng do tình trạng khô ối gây ra sẽ càng cao khi thai nhi càng ít tuần tuổi. Thêm vào đó, ảnh hưởng của khô ối cũng gây nguy hiểm cực lớn trong giai đoạn chuyển dạ của mẹ bầu.
Khô ối xảy ra vào giai đoạn 3 tháng đầu của thai kì - thời gian tam cá nguyệt thứ 2 sẽ dẫn đến thai nhi không có đủ chất để phát triển. Tình trạng khô ối vào thời gian thai nhi còn non sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề như: Bé bị dị tật bẩm sinh, thai mất lưu trong bụng mẹ, thậm chí là sảy thai,...
Mẹ bầu mắc phải tình trạng khô ối ở giai đoạn giữa thai kỳ sẽ khiến con chậm tăng trưởng cả về cân nặng, chiều cao và trí não. Hơn nữa, nếu mức độ cạn ối đạt mức nguy cấp, mẹ thường phải sinh non, sinh mổ theo chỉ định cụ thể từ bác sĩ.
Đặc biệt là vào giai đoạn chuyển dạ, khô ối hay nước ối cạn nhanh vào thời điểm này sẽ khiến tử cung mẹ gặp tình trạng co thắt mạnh, thai nhi bị siết chặt. Điều này có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc như: Em bé bị ngạt thở, suy thai và dẫn đến tử vong.
Hiện nay, cách chẩn đoán thiểu ối, khô ối khi mang thai chính xác nhất là dựa vào siêu âm và thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng như bụng nhỏ bất thường, sờ bụng thấy được các phần của thai và các triệu chứng như rò dịch âm đạo, són tiểu để chẩn đoán phân biệt với tình trạng rò ối, vỡ ối.
Bác sĩ và các chuyên gia y tế cũng chỉ định mẹ làm xét nghiệm siêu âm đo chỉ số AFI để phát hiện thiểu ối và cạn ối. Ngoài ra, mẹ bầu có thể làm thêm các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, siêu âm tim, siêu âm màu Doppler dựa trên sự tư vấn của bác sĩ để có kết quả chính xác nhất.
Tình trạng khô ối khi mang thai hay còn gọi là cạn ối được điều trị dựa trên các trường hợp cụ thể ở mỗi mẹ bầu. Bác sĩ sẽ cân nhắc truyền ối nếu cần thiết để kéo dài sự sống cho thai nhi và đảm bảo an toàn cho người mẹ.
- Thiểu ối ở 3 tháng đầu: điều trị theo nguyên nhân cạn ối là do người mẹ hay do phôi thai. Nếu cần thiết có thể đình chỉ thai để giữ an toàn cho mẹ.
- Thiếu ối ở 3 tháng giữa: cân nhắc chọn phương pháp điều trị phù hợp dựa trên nguyên nhân. Nếu nguyên nhân là do thai nhi thì bác sĩ sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để lựa chọn truyền ối hoặc chấm dứt thai kỳ. Mẹ nên đi khám siêu âm 1-2 lần mỗi tuần để theo dõi sát sao nhất tình hình phát triển của thai nhi.
- Thiểu ối ở 3 tháng cuối: mẹ cần theo dõi sự phát triển của thai và đi khám thai định kỳ để có phương pháp xử trí phù hợp. Nếu thiểu ối nặng, bác sĩ sẽ cân nhắc truyền ối hoặc sử dụng thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi. Các chỉ định mổ lấy thai hoặc kích chuyển dạ cần được thực hiện nếu cần thiết.
Khi phát hiện khô ối khi mang thai, mẹ cần giữ tâm trạng thật bình tĩnh, báo ngay với người nhà và tỉnh táo để đưa ra những quyết định sáng suốt. Hãy tham khảo một số việc mẹ cần làm để giữ an toàn cho thai nhi cũng như cho chính bản thân mình sau đây:
- Giữ tâm trạng thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress, căng thẳng, mệt mỏi
- Đảm bảo dinh dưỡng mỗi ngày, ăn uống đủ chất cần thiết, uống nhiều nước, hạn chế đồ mặn, nhiều muối
- Đi khám đúng lịch hẹn của bác sĩ hoặc đi khám ngay khi phát hiện bất thường
- Chuẩn bị tâm lý và đồ đi sinh sẵn sàng, mẹ có thể được chỉ định sinh bất cứ lúc nào
Tóm lại, hiện tượng khô ối khi mang thai sẽ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm và khôn lường. Bên cạnh đó, những dấu hiệu của tình trạng này lại không thực sự rõ ràng. Do vậy, mẹ bầu cần chủ động trong việc thăm khám bác sĩ. Đồng thời mẹ nên chú ý những thay đổi nhỏ nhất trong cơ thể mình, để kịp thời có những phương án xử lý nhanh nhất giúp bảo toàn sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Để có một sức khoẻ thật tốt để vượt qua những khó khăn của thai kỳ, mẹ cần lưu ý đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, mời mẹ tham khảo chuyên mục Dinh dưỡng của Avisure để biết thêm những kiến thức thai kỳ thú vị.