Thay đổi trong cơ thể của bạn
Chỉ một tỷ lệ nhỏ trẻ sơ sinh được sinh ra theo đúng ngày sinh dự kiến, vì vậy không có gì phải lo lắng nếu em bé của bạn sinh ra sớm hoặc muộn hơn vài ngày so với ngày dự sinh, vì em bé của bạn sẽ chào đời khi đã sẵn sàng. Khi thai nhi 40 tuần, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra thường xuyên. Bác sĩ của bạn cũng có thể đề nghị bạn siêu âm để đảm bảo rằng con bạn vẫn đang khỏe mạnh ở bên trong tử cung. Siêu âm sẽ giúp đo trọng lượng, chiều cao và theo dõi nhịp tim của thai nhi và đảm bảo có đủ nước ối bên trong. Dưới đây là một số thay đổi khác có thể xảy ra trong tuần:
- Em bé hạ xuống sâu hơn vào khung xương chậu:
- Gia tăng tần suất các cơn chuyển dạ giả
- Xuất dịch âm đạo hoặc lẫn máu: Trong suốt thai kỳ, một chất nhầy dày tích tụ ở cổ tử cung. Khi em bé đẩy qua cổ tử cung, nó sẽ được thải ra qua âm đạo. Chất nhầy thường có màu trắng mặc dù đôi khi nó bị lẫn máu và có màu hồng. Tuy nhiên, xuất dịch âm đạo không phải là một dấu hiệu chính xác của sự chuyển dạ. Sau khi bạn bị xuất dịch nhầy, có thể mất vài giờ đến vài ngày trước khi cơn co thắt chuyển dạ bắt đầu.
- Tiêu chảy và buồn nôn: Đôi khi trước khi chuyển dạ, bạn có thể gặp các nhu động ruột bất thường. Một số phụ nữ cũng phàn nàn về buồn nôn và nôn. Trừ khi tiêu chảy xảy ra do các yếu tố bên ngoài (thực phẩm hoặc nước) thì bạn không có gì phải lo lắng. Đây là hiện tượng bình thường để cơ thể bạn chuẩn bị cho công cuộc lâm bồn sắp tới. Mẹ chỉ cần nhớ uống nhiều chất lỏng để tránh mất nước.
- Những dấu hiệu chuyển dạ đầu tiên: Khi thai nhi 40 tuần tuổi, em bé đã trưởng thành và sẵn sàng cho thế giới bên ngoài. Một số dấu hiệu này bao gồm xuất dịch âm đạo, vỡ túi ối và co thắt mạnh.
Phải làm gì khi bạn bị vỡ ối?
Phụ nữ mang thai thường hay lo lắng về hiện tượng vỡ túi nước ối trước khi chuyển dạ. Hãy thư giãn bởi vì ngay cả khi vỡ ối thì chất lỏng này cũng ít có khả năng phun ra; nó có thể chảy ra dạng giọt hoặc rỉ ra từ từ. Hãy sử dụng băng vệ sinh để giữ cho chất lỏng này không làm ướt quần áo của bạn và nhớ vệ sinh sạch sẽ khu vực này. Túi nước ối thường vỡ sau khi xuất hiện những cơn co thắt, nhưng đôi khi nó có thể vỡ ra trước khi bắt đầu cơn chuyển dạ. Nếu nó vỡ ra trước khi chuyển dạ, các bác sĩ có thể đợi đến 24h để chờ các cơn co thắt bắt đầu. Nếu các cơn co thắt không tự bắt đầu, bác sĩ có thể phải sử dụng phương pháp kích đẻ để bạn chuyển dạ. Nước ối không mùi và không màu, vì vậy hãy gọi cho bác sĩ nếu nó có màu xanh hoặc nâu.
Chuyện gì xảy ra ngay sau khi em bé chào đời?
Ngay khi con bạn chào đời, bé có thể khóc lớn hoặc ngây người do các loại thuốc. Bác sĩ sẽ kẹp dây rốn và sau đó cắt. Em bé sau đó được lau khô và bọc trong chăn để giữ ấm. Các y tá sẽ đưa em bé cho bạn để hai mẹ con có thể âu yếm da tiếp da ngay sau khi sinh. Y tá lấy mẫu máu từ dây rốn để xét nghiệm nhóm máu và các xét nghiệm khác. Trong khi đó, bác sĩ dùng máy hút để loại bỏ chất lỏng có trong miệng và cổ họng của bé. Sau đó, y tá sẽ đưa em bé đi tắm lần đầu tiên và cho dùng các loại thuốc cần thiết. Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra chỉ số Apgar cho bé. Apgar bao gồm một chuỗi các yếu tố như nhịp tim, nhịp thở, tình trạng hoạt động của tay, chân… Kết quả sẽ giúp đánh giá nhanh chóng tình trạng sức khoẻ của trẻ sơ sinh ngay sau khi vừa chào đời và quyết định xem liệu bé có cần nhận bất cứ sự chăm sóc đặc biệt nào không.
Công việc chính của bác sĩ đối với bạn sẽ là ngăn ngừa xuất huyết nặng. Bác sĩ cũng có thể khuyến khích bạn rặn mạnh thêm lần nữa để tống hết nhau thai ra khỏi cơ thể. Bác sĩ kiểm tra nhau thai để kiểm tra xem nó có còn nguyên vẹn không vì nhửng mảnh nhau thai còn sót bên trong tử cung có thể gây nhiễm trùng hoặc gây ra chảy máu. Bác sĩ khâu những vết rách lớn, còn những vết rách nhỏ có thể để tự liền lại.
Thay đổi ở thai nhi 40 tuần
Ở tuần thai 40, em bé của bạn đã trưởng thành và sẵn sàng cho thế giới bên ngoài tử cung. Chất béo dưới da giúp cơ thể kiểm soát nhiệt độ sau khi sinh và bé tiếp tục tăng cân. Đến cuối tuần, bé có thể tăng khoảng một phần tư kilô. Bé trai có xu hướng cân nặng hơn con gái.
Chuyện gì xảy ra nếu em bé không ở đúng vị trí sinh thuận lợi?
Thông thường, thai nhi sẽ có xu hướng di chuyển xuống bên dưới vùng xương chậu của mẹ với vị trí ngôi thai thuận lợi là đầu quay xuống hướng cổ tử cung, mặt úp vào trong bụng mẹ. Đây được gọi là vị trí ngôi thai thuận để chào đời. Tuy nhiên, không phải em bé nào cũng có được vị trí thuận lợi này mà thực tế còn rất nhiều vị trí nằm khác có thể sẽ phải nhờ đến phương pháp xoay ngôi thai hoặc sinh mổ mới có thể đón em bé chào đời được mẹ tròn con vuông.
Lời khuyên cho dành cho các ông bố tương lai
Tìm hiểu về sinh nở: Hiểu về các giai đoạn khác nhau của chuyển dạ để bạn không đến bệnh viện quá sớm. Việc này cũng sẽ giúp bạn biết mình phải làm gì khi vỡ ối. Hãy tham khảo các thông tin tư vấn về sinh đẻ để bạn không bị ngạc nhiên khi bác sĩ giải thích các vấn đề có thể xảy ra.
Đôi khi, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đợi bên ngoài, đặc biệt là khi thực hiện các thủ tục như gây tê ngoài màng cứng. Hãy hỏi trước để không bị bất ngờ trước những quy định trong bệnh viện.
Biết được đâu là lúc nên đưa ra quyết định: Có thể vợ của bạn sẽ cần thảo luận với bác sĩ về việc sử dụng một thủ thuật nào đó trong quá trình chuyển dạ, và cô ấy không có khả năng đưa ra quyết định thì bạn cần phải ở bên cô ấy lúc này.